Thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn lừa đảo như sau:
- Thủ đoạn thứ nhất: Kết bạn làm quen trên mạng xã hội.
Đối tượng có thể là người nước ngoài hoặc Việt Nam sử dụng mạng xã hội như Facebook, zalo... để kết bạn, làm quen với người bị hại (thường là phụ nữ). Để tạo sự tin tượng đối tượng thường giới thiệu là doanh nhân, quân nhân Mỹ đang chiến đấu ở nước ngoài. Sau một thời gian quen biết, đối tượng đặt vấn đề gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không để tặng hoặc nhờ bị hại giữ hộ. Bị hại tin tưởng cho đối tượng các thông tin cá nhân: họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại...
Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế, hàng không... gọi điện yêu cầu người bị hại nộp các khoản tiền: thuế, phí, phạt... để nhận được quà. Các đối tượng gửi ảnh hộp quà, giấy chuyển phát để bị hại tin tưởng và các số tài khoản ngân hàng để bị hại chuyển tiền. Khi người bị hại không có khả năng tiếp tục chuyển tiền, các đối tượng xóa ngay tài khoản Facebook, Zalo... và các số điện thoại đã sử dụng để liên lạc.
Biện pháp phòng ngừa: Không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm của bản thân trên các trang mạng xã hội. Cảnh giác khi kết bạn với người lạ, đặc biệt là người nước ngoài khi họ đưa ra những lời hứa về lợi ích vật chất; nhờ nhận hộ tiền, tài sản... tuyệt đối không chuyển tiền qua tài khoản vì lý do để nhận hàng.
- Thủ đoạn thứ hai: Giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành pháp luật
Đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (VOIP ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng xã hội) có chức năng giả mạo đầu số, số điện thoại gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận hoặc liên quan đến các vụ án... sau đó nối máy cho bị hại nói chuyện với một đối tượng khác giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... Đối tượng thông báo người bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra, nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra sẽ bị khởi tố bị can, bắt tạm giam, mục đích làm người bị hại hoang mang, lo sợ để cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản. Sau đó đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng hoặc hướng dẫn truy cập vào link để tải ứng dụng giả mạo có tên “Bộ Công an”, truy cập để cung cập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra, yêu cầu bị hại cung cấp mã OTP. Sau đó, đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản, chuyển tiền đến các tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt.
Biện pháp phòng ngừa: Tuyệt đối không nghe lời đối tượng tự xưng là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản hoặc cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa xác định được họ là ai và sử dụng thông tin của mình vào mục đích gì.
- Thủ đoạn thứ ba: Thông báo trúng thưởng
Đối tượng gọi điện, nhắn tin qua Facebook Messenger, Zalo... thông báo trúng thưởng các tài sản có giá trị như xe máy, điện thoại, đồng hồ... hoặc các hình thức khác (phiếu quà tặng, phiếu đổ xăng...). Sau đó, yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Việc chuyển khoản/nạp thẻ phải được thực hiện trong vòng 60 đến 90 phút, nếu không chuyển tiền thì giải thưởng cũng sẽ chuyển cho người khác.
Để bị hại tin tưởng, trên trang web các đối tượng đưa các thông tin giả về đơn vị tổ chức, tên tuổi địa chỉ những người đã trúng trước đó, CMND/CCCD của nhân viên hỗ trợ nhận thưởng... khi bị hại tin tưởng chuyển tiền theo yêu cầu thì bị đối tượng chiếm đoạt.
Biện pháp phòng ngừa: Cảnh giác với các thông báo về việc được trúng thưởng và nhận quà yêu cầu chuyển, trả tiền cước phí.
- Thủ đoạn thứ tư: Chuyển “nhầm tiền” vào tài khoản
Sau khi có thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến số tài khoản đó rồi:
+ Giả thanh toán tiền hàng sau đó chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng: Giả danh là người mua hàng, đã chuyển tiền thanh toán đơn hàng cho người bán hàng online. Các đối tượng gửi hình ảnh chụp phiếu chuyển tiền hoặc tin nhắn chuyển tiền cho bị hại, yêu cầu bị hại kiểm tra lại số tài khoản ngân hàng, lúc này bị hại kiểm tra sẽ không nhận được tiền. Sau đó, đối tượng gửi đường dẫn truy cập (giống với các dịch vụ thanh toán trực tuyến như ZaloPay, ViettelPay) cho bị hại để được nhận tiền. Bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, đăng nhập đường dẫn, cung cấp các thông tin tài khoản nên dẫn đến mất quyền quản trị tài khoản. Trong trường hợp bị hại nghi ngờ, đối tượng giả là nhân viên ngân hàng đề nghị cung cấp mã OTP để được nhận tiền. Sau khi bị hại cung cấp mã OTP thì bị mất quyền quản trị tài khoản, các đối tượng chuyển tiền đến các tài khoản của đối tượng và chiếm đoạt.
Biện pháp phòng ngừa: Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai và không truy cập vào các đường dẫn không rõ nguồn gốc.
+ Giả danh người thu hồi nợ: Giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ đòi nợ các khoản vay với lãi suất cao. Nếu người dân không trả, đối tượng sẽ tìm cách đe dọa, khủng bố tinh thần... làm bị hại sợ hãi rồi chuyển tiền cho đối tượng theo yêu cầu.
- Thủ đoạn thứ năm: Giả danh người thân nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại rồi chiếm đoạt
Các đối tượng chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản MXH Facebook, zalo, viber… hoặc tạo các tài khoản facebook, zalo của chủ tài khoản, nhắn tin, gọi điện cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc nạp thẻ điện thoại cho đối tượng. Có trường hợp đối tượng gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, kiểm tra, cung cấp mã OTP. Sau đó, đối tượng kiểm soát tài khoản của bị hại, chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại sang các tài khoản của đối tượng rồi chiếm đoạt.
Biện pháp phòng ngừa: Cảnh giác khi có người sử dụng facebook, zalo nhắn tin nhờ chuyển tiền hoặc nạp thẻ điện thoại. Phải liên lạc trực tiếp đúng là người thân mới chuyển tiền. Nếu chưa thể liên lạc được thì tuyệt đối không chuyển tiền hoặc nạp thẻ cào điện thoại; nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển, nếu đã nạp thẻ cào điện thoại thì giữ lại các thẻ cào có lưu mã thẻ nạp, số seri để cung cấp cơ quan Công an.
- Thủ đoạn thứ sáu: Giả mạo hòm thư điện tử
Đối tượng lập các hộp thư điện tử tương tự hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch bằng thư điện tử, mạo danh đối tác để đề nghị các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng và chiếm đoạt.
- Thủ đoạn thứ bảy: Đầu tư, kinh doanh, chơi lan đột biến gen
Lợi dụng việc đầu tư, kinh doanh, chơi lan đột biến gen đang trở thành trào lưu được nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội tham gia và tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân, các đối tượng thường câu kết thành ổ nhóm, thuê nhà, dựng giàn, làm vườn trồng lan rồi thông qua các trang MXH như Facebook, Zalo, Youtobe, Tiktok để lập ra các hội, nhóm như: Hội chơi lan quý, lan đột biến... và công khai, quảng bá, giới thiệu, quay clip trực tuyến các sản phẩm lan đột biến gen để tổ chức trao đổi, mua bán trực tiếp hoặc đấu giá trực tuyến. Đối với giao dịch trực tiếp, các đối tượng hẹn người mua đến địa chỉ nhà thuê để giao dịch, sau khi giao dịch thành công, nhận được tiền, cá đối tượng khóa tài khoản, chặn liên lạc và bỏ đi khỏi địa điểm thuê.
- Thủ đoạn thứ tám: Cho vay vốn trên các trang Web
Đối tượng đăng trên Facebook hoạt động tư vấn giới thiệu hỗ trợ khách hàng vay tiền của Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng gọi điện cho người vay để người có nhu cầu vay tin tưởng và yêu cầu cung cấp thông tin để chuyển hồ sơ, hợp đồng vay về qua hình thức chuyển phát, thu tiền COD, mục đích để chiếm đoạt số tiền từ 380.000 đồng – 450.000 đồng/01 hồ sơ.
Biện pháp phòng ngừa: Khi cần vay vốn thì người dân nên trực tiếp đến các Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng để được tư vấn và hỗ trợ vay vốn.
- Thủ đoạn thứ chín: Đầu tư qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối trá hình hoặc đầu tư đào tiền kỹ thuật số theo mô hình kinh doanh “đa cấp”
Các đối tượng lập ra các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kép nhiều người tham gia như: Gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng bá, mời chào qua các MXH (Zalo, Facebook...), tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn, đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm...
Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian. Để tạo lòng tin, lúc đầu nhà đầu tư rút được lãi nên tin tưởng chuyển tiền tham gia đầu tư lớn hơn, sau đó chúng đánh sập sàn, cắt mọi hình thức liên lạc và chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn, Công an huyện đề nghị Đài Phát thanh huyện cho phát Thông báo về thủ đoạn hoạt động của tội phạm này để nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa. Đề nghị người dân đề cao cảnh giác, nếu phát hiện các hành vi, thủ đoạn nêu trên, đề nghị nhân dân liên hệ ngay Công an xã, thị trấn nơi gần nhất hoặc Công an huyện Nam Sách theo số máy liên hệ: 02203.754.335.
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Nam Sách)